Trẻ sơ sinh nghe bình thường sẽ phản ứng với tiếng động và tiếng thì thầm, tiếng cười hay tiếng nói ríu rít. Khi bé lớn hơn, bé biết nhìn và quay đầu cũng như nói bi bô và thay đổi cao độ giọng nói của mình để tìm kiếm nguồn âm thanh phát ra. Nếu trẻ không đáp ứng với tiếng động từ phía sau và không giật mình với các âm thanh lớn, khi có những dấu hiệu này nên đưa bé đi khám thính giác.
Để đo thính giác, với trẻ nhỏ, trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra bằng phép đo sàng lọc âm ốc tai để đánh giá xem trẻ có giảm thính lực hay không. Nếu kết quả cho biết trẻ có nghe kém, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phép đo chuyên sâu hơn nhằm xác định thính lực của trẻ.
Theo thống kê, cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ gặp vấn đề về thính giác và bị nghe kém ở mức độ nhẹ hay nặng hơn. (Ảnh minh họa)
Kết quả đo thính lực (thính lực đồ) sẽ cho ta biết khả năng nghe của trẻ ở mức độ khác biệt so với mức bình thường là bao nhiêu? Cần phải áp dụng các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính hay chưa? Hoặc máy trợ thính thì đã đủ đáp ứng nhu cầu nghe của trẻ để học nói và phát triển ngôn ngữ chưa hay sẽ phải cấy điện cực ốc tai?
Theo thống kê, cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ gặp vấn đề về thính giác và bị nghe kém ở mức độ nhẹ hay nặng hơn. Nếu gia đình đã có nghi ngờ về khả năng nghe của cháu thì thay vì bỏ nhiều thời gian để chờ đợi, phỏng đoán và hoài nghi nên đưa cháu bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để đo thính lực sẽ giúp mang lại kết quả nhanh hơn và chính xác hơn.
Mặt khác, nếu chậm xác định đồng nghĩa với chậm trễ trong việc can thiệp, nghe kém có thể dẫn đến chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ và gây ra sự chậm trễ học tập cũng như các vấn đề xã hội và hành vi cho trẻ.